Thực hiện chuyên đề : Tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa trên Chuẩn kiến thức, kĩ năng

Tổ Toán Lý Trường THCS Phan Đình Phùng thực hiện chuyên đề

“Tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa trên Chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình Giáo dục phổ thông THCS”

Năm học 2010 – 2011 để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Giáo dục phổ thông, Bộ giáo dục cho triển khai thực hiện bộ tài liệu: Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học trong cả nước; góp phần khắc phục tình trạng quá tải trong giảng dạy, học tập bấy lâu nay của giáo viên và học sinh. Sử dụng tài liệu này như thế nào để nâng cao chất lượng dạy học là một yêu cầu đối với các cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy.

 Chuẩn KT,KN là những yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức của môn học mà học sinh cần phải và có thể đạt được sau mỗi đơn vị kiến thức. Dạy học bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng thì phù hợp với mặt bằng chung về năng lực học tập của HS hiện nay nhưng có ảnh hưởng gì đến chất lượng mũi nhọn hay không? Đó là những vấn đề mà GV Tổ Toán Lý rất quan tâm và đưa ra thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn.

Nhận thấy rằng “ Tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa trên Chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình Giáo dục phổ thông THCS “ là con đường nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học; Tổ chúng tôi thống nhất  mạnh dạn thực hiện chuyên đề này. Trong tháng 10 năm 2010 vừa qua, Tổ Toán lý đã từng bước thực hiện được kế hoạch đã đặt ra :

  1. Triển khai học tập tài liệu “ Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng …” của các bộ môn văn hóa do Tổ phụ trách.
  2. Thảo luận xây dựng nội dung chuyên đề bao gồm :

+ Cơ sở lý luận và cơ sở thức tiễn.

+ Các biện pháp thực hiện

  1. Thao giảng minh họa chuyên đề ngày 28 tháng 10 năm 2010

Bài dạy : Hàm số bậc nhất              Môn  Toán lớp 9

GV giảng dạy : Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hằng

GV dự : Toàn bộ GV Tổ Toán Lý

Qua tiết dạy chúng tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn. Chuyên đề sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh và triển khai thực hiện trong tất cả các tiết dạy của toàn thể GV từ tuần 11 của năm học.

Sau đây là nội dung chuyên đề mà Tổ chuyên môn đã thống nhất:

  1. Về nội dung: Tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa trên Chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình Giáo dục phổ thông THCS là:

– Lấy trình độ phát triển chung của HS trong lớp làm nền tảng đó là đối tượng HS trung bình và trên trung bình.

– Tìm cách đưa diện yếu kém lên trình độ chung.

– Tìm cách đưa diện khá, giỏi đạt những yêu cầu nâng cao trên cơ sở  đã đạt được những yêu cầu cơ bản.

  1. Một số biện pháp phân hóa HS :

Sự phân hóa tập trung chủ yếu vào hai đối tượng HS yếu kém và HS khá giỏi.

1.2) Phân hóa sự giúp đỡ của thầy, HS yếu kém được giúp đỡ nhiều hơn HS khá, giỏi.

Đối với diện yếu kém: Có những học sinh rất sợ học môn Toán. Lý do là các em gặp nhiều khó khăn trong việc học Toán, kết quả kiểm tra thường xuyên ở dưới trung bình hoặc kém. Đó là những học sinh yếu kém về môn Toán, những HS này có những biểu hiện :

+ Nhiều “lỗ hổng” về kiến thức và kỹ năng.

+ Tiếp thu chậm.

+ Phương pháp học tập bộ môn chưa tốt.

Nội dung giúp đỡ HS yếu kém cần theo hướng sau đây:

+ Luyện tập vừa sức HS, gia tăng số lượng bài tập cùng thể loại và mức độ. Kiểm tra bài tập có dạng tương tự như đã luyện tập.

+ Lấp “lỗ hổng” về kiến thức và kỹ năng.

+ Đảm bảo những tiền đề về kiến thức, kỹ năng cho những tiết lên lớp.

+ Bồi dưỡng phương pháp học tập bộ môn.

Với đối tượng HS giỏi : Có những HS trình độ kiến thức, kỹ năng và tư duy vượt trội lên trên các HS khác, có khả năng tự mình giải quyết được hầu hết các bài tập ở SGK một cách dễ dàng, đó là những HS giỏi Toán. Số lượng HS này ở trường ta không nhiều, việc bồi dưỡng đối tượng này chủ yếu là giao bài tập về nhà có phân bậc hoặc ra thêm bài tập để đào sâu, nâng cao. HS tự nghiên cứu kết hợp với giờ bồi dưỡng riêng do nhà trường tổ chức.

 Nội dung bồi dưỡng nhóm HS giỏi bao gồm:

+ Nghe thuyết trình những tri thức bộ môn bổ sung cho nội khóa.

+ Giải những bài tập nâng cao.

+ Học chuyên đề (bổ sung cho nội khóa, nâng cao tầm hiểu biết).

2.2)Tác động qua lại giữa các HS, lấy chỗ mạnh của HS này điều chỉnh nhận thức HS khác.

Ví dụ : Hướng dẫn HS khá, giỏi kèm cặp HS yếu kém.

2.3)Phân hóa bài tập về nhà theo số lượng bài tập, theo nội dung bài tập, theo yêu cầu về tính độc lập. Ra riêng bài tập cho HS yếu kém và ra riêng bài tập cho HS khá, giỏi.

2.4) Đối xử cá biệt ngay trong những giờ dạy học đồng loạt dựa trên trình độ phát triển chung.

 Ví dụ: giao nhiệm vụ phù hợp với từng loại đối tượng, khuyến khích HS yếu kém khi các em tỏ ý muốn trả lời câu hỏi, phân hóa việc giúp đỡ, kiểm tra và đánh giá HS.

  1. 3. Bài học kinh nghiệm:

 –  Để phân hóa HS theo năng lực, GV phải nắm được năng lực thực của từng học sinh để phân loại và đánh giá được trình độ chung của cả lớp để lấy đó làm nền tảng

–  Các Nhóm chuyên môn bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng bộ môn do mình phụ trách để thống nhất mục tiêu, mức độ kiến thức cần đạt của từng bài dạy và phương pháp dạy học phù hợp đối tượng HS.

– Về phía giáo viên cần xác định đúng chuẩn kiến thức của từng bài dạy để soạn giảng đạt mục tiêu đã đặt ra.

  1. 4. Đề nghị với cấp trên: Hiện tại cũng còn nhiều HS yếu kém khó đạt được chuẩn, số học sinh này “hổng “ kiến thức trầm trọng, thực tế trên lớp GV rất khó lấp được “ lỗ hổng” kiến thức cho đối tượng này, Dạy đối tượng này phải tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả lại thấp. Số lượng HS thực sự có năng khiếu về môn Toán rất ít, trong một tiết học GV không đủ thời gian nên phải quan tâm đến số đông hơn, tức là phải giữ cho đối tượng HS trung bình không bị sa sút và HS còn yếu có khả năng vươn lên trung bình; Do đó Tổ chuyên môn đề nghị nhà trường phân loại học sinh yếu kém để phụ đạo riêng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *